Có nên xây nhà đúc giả, sàn giả

logo

Hotline hỗ trợ: 0901 434 498

Có nên xây nhà đúc giả, sàn giả
26/12/2023 09:07 AM 48 Lượt xem

    Có nên xây nhà đúc giả, sàn giả hay không?

    Hiện nay, trước khi tiến hành xây dựng các công trình nhà cấp bốn, nhà trọ, Kiốt cho thuê, nhà ở tư nhân thấp tầng…không ít các gia chủ tính đến phương án dùng kết cấu nhà đúc giả, sàn giả để tiết kiệm thời gian và chi phí. Vậy kết cấu nhà đúc giả, sàn giả là gì và có những ưu nhược điểm gì so với kết cấu “đúc thật, sàn thật” truyền thống ? Sau đây Xây Dựng Legiacons sẽ cùng các bạn tìm hiểu chủ đề trên qua nội dung bài viết “Có nên xây nhà đúc giả, sàn giả hay không ?”.   

    Sàn giả dùng tấm cemboard trên hệ khung thép hộp

     

    1. Nhà đúc giả, sàn giả là gì?

    Kết cấu nhà đúc giả, sàn giả là hệ thống kết cấu nhà với các khung, dầm, cột chịu lực bằng bê tông cốt thép như bình thường hoặc bằng hệ khung thép hình và sắt hộp. Lớp sàn giả của công trình là lớp sắt tấm, tôn cũ, hoặc tấm sàn chịu lực cao… được đổ một lớp bê tông mỏng đan cốt thép đường kính nhỏ bên trên, sau đó hoàn thiện gạch lát nền như bình thường.

    Các công trình sàn đúc giả,  về cơ bản sử dụng hệ khung thép hình và sắt hộp để đỡ trọng lượng và tải trọng trên sàn để truyền vào tường, dầm, cột… Khi đó bê tông và cốt thép sàn có tác dụng chính là liên kết, cấu tạo, chống nứt, võng nên thường được đổ rất mỏng (từ 5 – 8cm). Còn đối với nhà có lớp sàn đúc thật thì lớp bê tông và cốt thép sàn sẽ chịu lực để truyền trực tiếp vào dầm, cột… nên sắt thép trong sàn sẽ nhiều hơn và chiều dày sàn sẽ lớn hơn (từ 10cm – 15cm).

     

    2. Kết cấu sàn đúc giả:

    Kết cấu sàn đúc giả thông thường sẽ có 2 loại như sau:

    – Loại 1: Hệ khung chịu lực bao gồm các xà gồ (dầm) dọc và ngang bằng thép hình, thép hộp… gác trực tiếp lên hệ thống tường, đà chịu lực. Sau đó trải một lớp tole lên hệ khung xà gồ đó và đan sắt phi 6 hoặc sử dụng lưới thép liên kết rồi láng một lớp hồ, bê tông đá khoảng 5cm-8cm lên trên lớp tôn để sau này có thể lát gạch như các loại sàn thông thường.

    – Loại 2: Sử dụng các tấm sàn chịu lực cao như Cemboard, Smartboard… thay cho lớp tôn, sau đó trải lưới thép và thực hiện láng lớp hồ mỏng, thực hiện lát gạch trực tiếp, không cần đổ thêm lớp bê tông. Tất nhiên thi công theo loại 2 thì chất lượng nền gạch lát không bền như loại 1.

    Sàn giả tận dụng lớp tôn cũ làm coffa đổ bê tông sàn

     

    3.  Ưu – Nhược điểm của sàn đúc giả:

    Với cách thi công nhà truyền thống trước đây, kết cấu sàn chịu lực của nhà phải sử dụng sắt thép, bê tông nhiều và phải có hệ cây chống, ghép ván khuôn để thi công sàn. Phương pháp này tất nhiên tốn kém và bền lâu hơn so với việc sử sụng sàn đúc giả.

    Làm sàn đúc giả có thể tiết kiệm thời gian thi công của công nhân vì kết cấu và biện pháp thi công nhanh chóng, đơn giản, từ đó giảm chi phí thuê nhân công. Khi thực hiện phương pháp đúc giả, chúng ta còn giảm được vật liệu, chi phí khung sườn, móng nhà, tối ưu hóa kết cấu chịu lực… từ đó tiết kiệm chi phí xây dựng. Tuỳ theo cấu tạo của căn nhà, sử dụng kết cấu đúc giả có thể giảm chi phí xây dựng nhà từ 10% đến 30% giá thành so với kết cấu xây dựng nhà theo kiểu truyền thống. Chính vì những lý do nêu trên, việc sử dụng kết cấu nhà đúc giả, sàn giả ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các công trình, đặc biệt là các căn nhà cấp 4, nhà trọ, kiốt cho thuê, nhà ở thấp tầng…

    ·

        Ưu điểm của sàn đúc giả:

             + Các tấm sàn Cemboard, Smartboard… thường được cấu tạo bởi những sợi gỗ tự nhiên và xi măng liên kết với nhau bằng áp lực rất cao nên trọng lượng nhẹ, độ bền cao, đã được xử lý chống mối, chống mọt, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm, chống cháy tốt. Các đặc tính này giúp giảm tải trọng cho kết cấu, giảm chi phí cho phần móng, dẫn đến tiết kiệm được chi phí vật liệu cho công trình xây dựng.

             + Thi công kết cấu sàn đúc giả tương đối đơn giản, nhanh chóng so với sàn bê tông cốt thép thông thường nên sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí nhân công, máy móc thiết bị trong xây dựng.

              + Sàn nhà đúc giả có khả năng đàn hồi cao, tính chịu lực tốt, có thể áp dụng cho nhiều mẫu thiết kế linh hoạt, đa dạng. Sử dụng sàn nhà đúc giả có thể tạo ra công trình bền vững gần bằng các sàn đúc thật trong nhà xây truyền thống.

              + Sử dụng nhà đúc giả sẽ giảm thiểu tối đa việc sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống như sắt thép, xi măng mà thay vào đó là sử dụng các loại vật liệu tái chế, nhân tạo… giúp hạn chế khai thác các loại tài nguyên tự nhiên, tạo nên công trình xây dựng thân thiện hơn với môi trường.

    ·   Nhược điểm của sàn đúc giả:

              + Các mỗi nối liên tiếp giữa các tấm sàn do không phải là liền khối nên có thể bị đứt đoạn nếu như không được thi công và xử lý đúng cách.

             + Khi xây nhà đúc giả, các sàn sẽ có khả năng chịu lực theo phương ngang yếu hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải bố trí các vách ngang nhiều hơn, do đó khiến cho công trình thi công không còn thông thoáng. Để khắc phục, chúng ta có thể thiết kế, bố trí hệ thống đà giằng, cột phụ bằng thép để bổ sung.

              + Khi thiết kế xây nhà đúc sàn giả, khó áp dụng với những đường nét uốn lượn, nhiều góc cạnh, hình dạng phức tạp… do các tấm sàn có cấu tạo kích thước cố định, không thể uốn cong hay cắt xén tùy tiện.

              + Sàn đúc giả có khả năng chống nứt và liên kết với cột dầm chịu lực yếu hơn so với đúc thật. Vì vậy tuổi thọ cũng như khả năng chịu lực của sàn giả không bằng với kết cấu dầm sàn bê tông cốt thép liền khối như xây dựng truyền thống.

              + Có thể khiến nhiễu sóng vô tuyến, ăng ten ở một số vị trí do sử dụng hệ khung và xà gồ thép là chính.

              + Tâm lý người dùng vẫn còn e ngại đối với các loại vật liệu, cách xây dựng mới như sử dụng sàn đúc giả. Vì vậy nếu không tìm hiểu kỹ và cân đối các tiêu chí, điều kiện khác nhau… thì đa phần mọi người vẫn lựa chọn đúc thật để không phải đắn đo, suy nghĩ nhiều.

     

     4.  Có nên xây nhà đúc giả, sàn đúc giả ?

    Tính ứng dụng của sàn đúc giả: Thích hợp cho các mẫu nhà cấp 4 có thêm gác lửng, nhà ở thấp tầng; các nhà có móng yếu nhưng muốn nâng tầng để có thêm không gian sinh hoạt; các công trình nhà trọ cho thuê, kho đựng đồ, sàn nhà ăn, quán cà phê hay sân khấu nhỏ; các công trình có kinh phí ít, thời gian xây dựng gấp, không yêu cầu quá cao về chất lượng, thời gian sử dụng lâu dài…

    Nhà cấp 4 có gác lửng ứng dụng sàn đúc bằng tấm Smartboard

             Chúng ta nên hiểu một điều cốt lõi rằng, đối với việc thi công xây dựng thì kết cấu nhà đúc thật hay đúc giả chỉ là một trong những yếu tố quyết định sự bền vững của công trình. Chính các liên kết của tổng hợp hệ khung móng – cột – dầm – sàn và kỹ thuật, vật tư, chất lượng thi công… đảm bảo các tiêu chuẩn xây dựng mới quyết định được sự bền vững của công trình. Vậy nên, việc sử dụng nhà đúc giả, sàn đúc giả tuỳ thuộc vào sự cân đối và lựa chọn rất nhiều khía cạnh của chủ nhà như: điều kiện kinh tế, loại công trình áp dụng, thời gian thi công, mục đích khai thác công trình…. Tuy nhiên, nếu xét về độ bền, tuổi thọ công trình, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, tính thẩm mỹ và đa dạng…thì thi công xây dựng nhà kết cấu bê tông cốt thép liền khối theo kiểu truyền thống “đúc thật, sàn thật” vẫn được mọi người đánh giá cao và áp dụng nhiều hơn.

    Hi vọng những nội dung vừa nêu có thể giúp các bạn giải đáp phần nào câu hỏi “Có nên xây nhà đúc giả, sàn giả hay không ?”.  Xây dựng Legiacons mong muốn những thông tin đã chia sẻ bên trên sẽ phần nào hữu ích cho bạn trong quá trình thiết kế, xây dựng hoặc sửa chữa cải tạo nhà, căn hộ của mình. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm rất nhiều nội dung có liên quan khác tại địa chỉ xaydunglegiacons.com hoặc liên hệ Hotline: 0901.434.498 để được hỗ trợ và phục vụ.

    Zalo
    Hotline